Dự lễ kỉ niệm về phía Lào có ông Chaleun Yiapaoher – Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ nước CHDCND Lào; ông Kongsy Sengmany – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào, ông Thongsavanh Phomvihane- Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền CHDCND Lào tại Việt Nam.
Về phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng của Bộ GD&ĐT, lãnh đạo thành phố Hà Nội, lãnh đạo huyện Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây cùng các đơn vị trường học khác trên địa bàn. Đặc biệt, trường Hữu nghị T78 còn tiếp đón rất nhiều cựu lưu học sinh từ Lào sang Việt Nam dự lễ kỉ niệm.
Trong diễn văn tại lễ kỉ niệm, thầy hiệu trưởng Nguyễn Toàn Nghĩa ôn lại lịch sử truyền thống tự hào: Ngày 1/8/1958, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định thành lập Khu học xá miền núi Trung ương, tiền thân của Trường Hữu nghị T78 ngày nay.
Tên gọi của trường qua 4 lần thay đổi: Khu học xá miền núi Trung ương; Trường Bổ túc văn hóa miền Núi Trung ương (Mật danh T78); Trường Bổ túc văn hóa Hữu nghị và Trường Hữu nghị T78 ngày nay.
Dù tên gọi khác nhau, nhưng ở bất cứ đâu nhân dân đều gọi là “Trường Lào”. Đây là trường đầu tiên và cũng là trường cội nguồn của tất cả các trường văn hóa khác dành cho lưu học sinh Lào học tập tại nhiều tỉnh của Việt Nam.
Những năm đầu, Trường được giao nhiệm vụ đào tạo tiếng Việt cho các đối tượng lưu học sinh Lào. Ngày 31/7/1995, trường được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ đào tạo bổ túc văn hóa cho học sinh dân tộc miền núi phía bắc theo mô hình dân tộc nội trú. Đến nay, nhà trường chuyển sang đào tạo trình độ THPT cho học sinh vùng dân tộc thiểu số miền núi phía bắc.
Ngoài ra, trường còn được giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực giáo dục; tham gia biên soạn giáo trình tiếng Việt cho người nước ngoài; hỗ trợ các đơn vị giáo dục trong nước và nước ngoài trong công tác dạy học tiếng Việt; tuyển sinh và quản lý học sinh, sinh viên; phát hiện và bồi dưỡng nhân tài.
Trong 60 năm, từ mái trường này, gần 3 vạn lưu học sinh Lào đã trưởng thành, trở thành những cán bộ chủ chốt và đang nắm giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào, góp phần to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước Lào anh em.
Cũng từ mái trường này, gần 1 vạn học sinh dân tộc thiểu số ở 22 tỉnh miền núi phía Bắc nước ta đã trưởng thành, trở thành nguồn nhân lực quan trọng, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc của hai nước Việt Nam – Lào.
Gửi lời chúc mừng các thế hệ cán bộ giáo viên Trường Hữu nghị T78 nhân lễ kỉ niệm 60 năm thành lập, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao bề dày truyền thống và những thành tích mà nhà trường đạt được trong công tác quản lý, nuôi dưỡng, giáo dục các thế hệ lưu học sinh Lào và học sinh dân tộc thiểu số của Việt Nam.
Những phần thưởng mà Nhà nước và Chính phủ Lào trao tặng cho nhà trường trong lễ kỉ niệm hôm nay đã khẳng định thành tích xuất sắc mà nhà trường đã đạt được. Nhận được phần thưởng cao quý này đòi hỏi mỗi cán bộ giáo viên hân viên trường hữu nghị T78 phải cố gắng hơn nữa để xây dựng phát triển nhà trường.
“Với bề dày truyền thống, Trường Hữu nghị T78 chắc chắn sẽ thành công hơn nữa trong sự nghiệp đào tạo học sinh, cán bộ Lào và học sinh dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc. Tin tưởng rằng trường sẽ phát triển thành một trường hữu nghị quốc tế có chất lượng cao trong tương lai”- Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc bày tỏ.
Tại lễ kỉ niệm, Trường Hữu nghị T78 đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Chủ tịch nước, Chính phủ nước CHDCND Lào trao tặng như: Huân chương Lao động hạng nhất cho tập thể nhà trường, Huân chương lao động, Huân chương hữu nghị cho các cán bộ, giáo viên.
Bộ GD&ĐT tặng cờ thi đua cho nhà trường vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016-2017.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị nhà trường cần tập trung thực hiện 5 nội dung:
– Một là: Quán triệt sâu sắc và gắn kết triển khai có hiệu quả việc đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT theo tinh thần của Nghị quyết 29.
-Hai là: Nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học chú trọng phát huy năng lực và phẩm chất của người học. Xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ chuyên môn, trong sáng về đạo đức, tâm huyết và say mê với sự nghiệp trồng người. Thông qua đó thúc đẩy sự nghiệp đại đoàn kết các dân tộc, củng cố quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam- Lào.
– Ba là: Chủ động, linh hoạt, điều chỉnh nội dung chương trình nhà trường gắn kết với thực tiễn đời sống, nhất là bản sắc văn hóa các dân tộc. Tập trung đổi mới nội dung phương pháp dạy học theo định hướng đổi mới chương trình và SGK phổ thông.
– Bốn là: Việc giảng dạy tiếng Việt cho lưu học sinh Lào cần chọn lọc nội dung, chú trọng tính thực hành, rèn luyện các kĩ năng trong môi trường giao tiếp tiếng Việt mà nhà trường đã thực hiện thành công trong những năm qua.
– Năm là: Phát huy những mô hình đổi mới mà nhà trường đã triển khai như đưa lưu học sinh Lào đi thực tế tại nhà dân theo mô hình home stay.